Tia UV có thể tiêu diệt mầm bệnh trên một số loại trái cây
Ngành sản xuất hữu cơ đang phát triển, việc nghiên cứu và cho ra đời phương pháp mới đảm bảo an toàn cho trái cây tươi trở nên cần thiết. Các nhà khoa học tại Đại học bang Washington đã chỉ ra rằng tia cực tím UVC có tác dụng chống ngộ độc thực phẩm, với khả năng loại bỏ nhiều tác nhân gây bệnh trên bề mặt của một số loại trái cây. Nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Vi sinh Thực phẩm.
Sau khi tham khảo thông tin từ những người nông dân và các nhà chế biến thực phẩm hữu cơ, được biết các cơ sở sản xuất thiếu các lựa chọn khử trùng. Chuyên gia an toàn thực phẩm của Đại học bang Washington WSU - Shyam Sablani và các đồng nghiệp của ông đã xem xét các lựa chọn thay thế và quyết định khám phá tia UVC, với bước sóng ngắn hơn tia tử ngoại A hoặc B.
Sablani giải thích: “Bức xạ UVC có trong ánh sáng mặt trời; tuy nhiên, nó bị hấp thụ hoàn toàn bởi tầng ozone và bầu khí quyển của Trái đất. Nó có đặc tính diệt khuẩn và có thể chống lại vi khuẩn, nấm mốc và virus hiệu quả."
Tia UVC, không thể xuyên qua các vật thể rắn, mờ đục, nhưng có hiệu quả trong việc khử trùng bề mặt. Công nghệ này đã ra đời được vài năm, đã được sử dụng để khử trùng hiệu quả các bề mặt tiếp xúc với thực phẩm cũng như nước uống và không khí bị ô nhiễm. Nó hoạt động trên vi sinh vật bằng cách phá hủy axit nucleic và phá vỡ DNA của chúng. Nhưng ánh sáng không ảnh hưởng đến chất lượng hóa học hoặc vật lý của trái cây.
Sablani và các đồng nghiệp của ông đã cho táo, lê, dâu tây, mâm xôi và dưa đỏ với các liều UVC khác nhau để xác định mức độ hiệu quả của ánh sáng tiêu diệt mầm bệnh đối với sự kết hợp của các chủng vi khuẩn E. coli và listeria. Họ phát hiện ra rằng ánh sáng có thể khử hoạt tính đến 99,9% mầm bệnh trên táo và lê. Tuy nhiên, vi khuẩn listeria kháng UVC tốt hơn E. coli. Ánh sáng UVC đã làm bất hoạt 90% mầm bệnh có trên quả có bề mặt sần sùi.
Đối với các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm , bạn không muốn có bất kỳ mầm bệnh nào trên trái cây. Bề mặt thô ráp của dâu tây, mâm xôi và dưa đỏ là nơi ẩn chứa mầm bệnh, giảm tác động của tia UVC. Nếu mức độ ô nhiễm vi khuẩn cao, thì chỉ riêng công nghệ UVC có thể không đủ để đạt được mức hiệu quả mong muốn. Sablani cho biết nghiên cứu đang được tiến hành để tăng hiệu quả của tia UVC đối với trái cây có bề mặt thô ráp.
Ông nói: “Sự quan tâm đến công nghệ này rất cao vì nó có thể thực hiện đơn giản và không tốn kém.”
Việc thêm đèn UVC vào dây chuyền đóng gói trái cây không cần phải sửa đổi nhiều. Có thể dễ dàng lắp đặt đèn UVC để trái cây tiếp xúc với ánh sáng khi nó đi qua băng chuyền.